Đừng để trường học thành địa ngục trần gian

  • Trường học thế giới thu nhỏ của các em học sinh đang tuổi cắp sách đến trường. Thời gian của các em hầu hết là diễn ra tại trường với thầy cô, bạn bè. Thế giới tưởng như thiên đường đó sẽ trở thành địa ngục khi các em gặp những rắc rối ảnh hưởng đến thể xác và tinh thần. Bạo lực học đường đang trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội hiện đại. Không chỉ là những vụ va chạm gây tổn thương về tâm lý, hay chỉ là dứt tóc, đấm đá nữa mà đã có những em học sinh ra đi mãi mãi khi tuổi còn xuân xanh. Điều bất thường là các em đi học không mang sách vở lại mang vũ khí sát thương như dao, bình xịt hơi cay… để gây gổ hay tự vệ. Trường học là nơi giáo dưỡng con người lại trở thành nơi các em sử dụng thói côn đồ, vô học. 
  • Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khoẻ, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập. Như vậy có thể hiểu chung nhất về bạo lực lực học đường đó là hành vi gây thương tích một cách chủ đích đối với người khác, gây tổn hại về mặt sức khoẻ cũng như về tinh thần của người bị hại, từ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tính cách và tương lai của người bị hại. Bạo lực học đường cũng diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau tuỳ vào nhiều nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Có thể kể đến một số loại bạo lực học đường hiện nay như:
  • Bạo lực thể chất: Các hành vi đánh đập, dứt tóc, xé quần áo, đổ đồ ăn lên người, trấn lột cướp đồ giữa học sinh với nhau.
  • Bạo lực bằng lời nói: Sử dụng những hành vi hoặc lời nói gây xúc phạm, gán ghép hoặc bôi nhọ, sỉ nhục chế nhạo hoặc bắt người khác làm theo ý mình. Hành vi bạo lực có thể của giáo viên với học sinh hoặc giữa học sinh với nhau.
  • Bạo lực tâm lý: là hành vi xâm phạm tình dục, có thể động  chạm những bộ phận nhạy cảm hoặc thậm chí có những hành vi cưỡng ép tình dục, hiếp dâm.
  • Bạo lực xã hội: Phân biệt đối xử, cô lập, tẩy chay, nói xấu, bêu riếu xung quanh hay thậm chí trên mạng xã hội.
  • Bạo lực điện tử: Hành vi uy hiếp bằng các phương tiện điện tử như gọi điện, nhắn tin bêu riếu người khác trên mạng xã hội.
  • Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong một năm học có 1.600 vụ đánh nhau (khoảng 5 vụ/ ngày), cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ chín trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Theo số liệu thu thập của Bộ Công an mỗi tháng có hơn 1000 thanh thiếu niên phạm tội, độ tuổi giết người đã tăng lên ở độ tuổi thanh thiếu niên (41% độ tuổi giết người ở 18-30; 17%  độ tuổi giết người ở 14-18).

 

  • Chưa bao giờ vấn nạn về bạo lực học đường lại trở nên nhức nhối và trở thành đề tài nóng bỏng như trong xã hội hiện đại. Trong khi trước kia bạo lực học đường là vấn đề hi hữu và là điều lạ lẫm với các em học sinh thì nay nó tồn tại trong trường học như một điều rất đỗi bình thường, chuyện hàng ngày tại những môi trường để giáo dục con người. Bạo lực không những xảy ra giữa học sinh với học sinh mà giữa học sinh với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh; không những xảy ra đối với học sinh nam với nhau mà ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ những vụ gây lộn đánh nhau giữa các học sinh nữ.
  • Những chất kích nổ trực tiếp của những vụ va chạm có khi chỉ bởi những lý do rất nhỏ nhặt như nhìn đểu, có hành động bất nhã, một câu nói không đúng chỗ, tranh giành người yêu, … Điều này làm cho những vụ bạo lực học đường trở nên khó lường, nó có thể diễn ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Nhưng đó là khi chúng ta nhìn vào bề nổi, còn nguyên nhân sâu xa của tình trạng bạo lực ở trường học là do đâu? Tại sao các em sống trong điều kiện xã hội, cơ sở vật chất tốt hơn về mọi mặt so với trước kia mà nạn bạo lực học đường lại trở thành thực trạng nhức nhối đến vậy?
  • Bạo lực học đường xảy ra ở tất cả các độ tuổi nhưng đáng lo ngại nhất và để lại hậu quả nghiêm trọng nhất là lứa tuổi vị thành niên. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến vấn nạn bạo lực học đường ở lứa tuổi “khủng hoảng” này. 
  • Trong giai đoạn 10-15 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ về thể chất, tâm sinh lý, trẻ luôn muốn khẳng định cái tôi của mình. Chưa đủ độ chín chắn, chưa đủ kiến thức để nhìn nhận mọi việc nên chúng có những suy nghĩ rất khác biệt. Mọi vấn đề dù rất nhỏ như một cái lườm, cái bĩu môi hay đá xéo… đã trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng với chúng. Không đủ kỹ năng để kìm chế cảm xúc của mình cộng thêm sự kích động ở bên ngoài sẽ dẫn đến những hành động bạo lực. Nhiều khi những hành động gây thương tích, chết người chỉ là chạy theo tâm lý đám đông. Hỏi nhiều bạn tham gia đánh hội đồng: “Tại sao em đánh bạn”? Thì nhận được câu trả lời rất ngây thơ và đáng phẫn nộ là “Các bạn rủ em đánh cùng”. Đau xót khi các em nhìn nhận việc đánh đập dã man một người bạn của mình là trò vui, là một điều rất đỗi bình thường.
  • Thêm vào đó áp lực học tập là thực trạng các em đang phải gồng lên gánh chịu ở trường học. Mỗi ngày đến trường không còn là một ngày vui nữa mà trở thành nỗi ám ảnh với nhiều em học sinh. Nhiều em gặp phải các vấn đề về tâm lý đã kể lại rằng, em sợ mỗi buổi sáng khi phải thức dậy và lê những bước chân mệt mỏi đến trường. Kiến thức nặng, bài vở nhiều, các kỳ thi liên tiếp. Học trên lớp chưa đủ, chúng lại bị cha mẹ thầy cô đẩy vào các lớp học thêm. Trẻ không có thời gian để chơi, làm những điều mình thích. Thêm vào đó, hiện nay tại các trường học thường chú trọng dạy kiến thức mà thiếu và yếu về kỹ năng, đạo đức. Các em cần lắm một chỗ dựa về tinh thần, am hiểu kiến thức để gỡ những vướng mắc, xoa dịu những bất ổn tâm lý và định hướng con đường đi đúng đắn.
  • Đáng buồn là gia đình là nơi ẩn nấp khi các em bị áp lực bên ngoài thì lại không làm tốt trách nhiệm của mình. Cha mẹ thiếu sự quan tâm, sát sao đến con cái. Trẻ thậm chí còn chứng kiến bạo lực và là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chính điều này làm trẻ có cái nhìn sai lệch về việc có thể dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề. Những đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực sẽ trở nên hung hăng, côn đồ, mất kiểm soát hành vi. Thêm vào đó sai lầm và sự thiếu trách nhiệm của ba mẹ ở chỗ đẩy việc giáo dục con cái cho nhà trường. Kết cục là những đứa trẻ thiếu sự quan tâm, tình yêu thương cộng thêm nhận thức lệch lạc chúng sẽ giải toả stress áp lực bằng cách hành hạ chính bạn bè của mình.
  • Mặt khác xã hội ngày nay có quá nhiều cám dỗ như sự phát triển không kiểm soát được của các luồng thông tin, các trò chơi trên mạng xã hội. Các em tự do tiếp xúc thế giới ảo và không có sự chọn lọc thông tin dẫn đến thông tin mà các em nhận được và ưa thích là bạo lực. Suy nghĩ non nớt của các em cũng nghĩ rằng bạo lực sẽ giải quyết được vấn đề, dùng nắm đấm sẽ đưa mình lên vị trí cao hơn trong mắt bạn bè. 
  • Bên cạnh đó, thế giới ảo cũng khiến các em mất kết nối với xung quanh, sống khép kín, không còn coi trọng mối quan hệ thực, sống thờ ơ, vô nghĩa. Tâm lý này về lâu dài rất nguy hiểm sinh ra trầm cảm hay hung hăng, bất cần, ưa bạo lực. 
  • Nguy hại hơn nữa là chất gây nghiện, chất kích thích được bày bán tràn lan khó kiểm soát. Việc học sinh sử dụng chất gây nghiện dường như trở nên phổ biến ngay trong trường, thậm chí trong lớp học.
  • Làm sao để những ngày tháng cắp sách đến trường là những ngày tháng đẹp nhất của cuộc đời con người. Không thể coi là việc nhỏ khi đã có rất nhiều vụ án thương tâm xảy ra cướp đi sinh mạng rất nhiều em học sinh. Phụ huynh cần phải thức tỉnh. Cần quan tâm sát sao con em mình về học hành, tâm lý hành vi. Đồng hành cùng nhà trường trong nuôi dạy con em mình, tránh tình trạng đổ trách nhiệm cho nhà trường và xã hội. Giáo viên và nhà trường cần nhìn nhận lại nội dung, phương pháp dạy học cho nhà trường. Cân đối giữa việc học tri thức và đạo đức, kỹ năng. Hơn ai hết trẻ cần lắm những cánh tay đưa ra, cần lắm những lời chỉ dẫn để các em không phải chị bơi trong biển cả mênh mong những cám dỗ trong xã hội.

Đánh giá và trị liệu tại Braincare

Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng. 

Braincare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sức khỏe tinh thần và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Braincare “Vì cộng đồng hạnh phúc hơn từng giây”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Contact Me on Zalo