Lời phán xét “chấn động” cho người nghiện rượu

Các rối loạn liên quan đến rượu thực sự là mối quan tâm của Tổ chức Y Tế Thế Giới. Nó đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư. Ở Việt Nam vẫn giữ nhiều nét của văn hóa Á đông là nhiều lễ hội, đám, giỗ… Thói quen của người Á Đông là hay ép nhau uống rượu thể hiện sự quý mến và người được mời từ chối tức là bất nhã. Nên việc lạm dụng bia rượu dẫn đến rối loạn tâm thần trở thành vấn nạn của toàn xã hội. Theo thống kê tại bệnh viện Tâm thần Trung ương thì đến 1/3 số bệnh nhân đến khám và nhập viện liên quan đến việc lạm dụng bia rượu.

Định nghĩa về nghiện rượu

  • Về mặt số lượng: Nghiện rượu là sử dụng quá 1ml cồn tuyệt đối cho 1kg cân nặng hoặc 0,75 lít rượu vang 10o cồn trong vòng 24 giờ cho một người đàn ông cân nặng 70kg (P. Hardy,1994).
  • Về mặt xã hội: Nghiện rượu là tất cả các hình thái uống rượu vượt quá mức sử dụng thông thường và truyền thống (P.Hardy,1994).
  • Theo Tổ chức Y tế Thế giới (1993): Nghiện rượu là nhu cầu thèm muốn đòi hỏi thường xuyên đồ uống có cồn, hình thành thói quen, rối loạn nhân cách, giảm khả năng lao động và ảnh hưởng đến sức khoẻ.
  • Rối loạn tâm thần cấp (say rượu): Là hậu quả của nhiễm độc rượu nhất thời, thường xảy ra ở những người uống quá ngưỡng dung nạp. Say rượu dẫn đến những biến đổi về cảm xúc (khó kiềm chế cảm xúc), rối loạn về tư duy (nói nhiều, tư duy hổ lốn, nói lặp lại, khả năng phân tích, phê phán kém…) và các rối loạn về hành vi (hành động kỳ cục, khó kiểm soát và kìm chế hành vi, hung hăng, thô bạo…).
  • Khoảng 10% người nghiện rượu sẽ bị rối loạn tâm thần ở một thời điểm nào đó trong cuộc  đời. Nghiện rượu xảy ra khi dùng rượu thường xuyên, nhưng không phải mọi trường hợp uống rượu thường xuyên đều có thể coi như nghiện rượu. Nghiện rượu là một chứng nghiện chất độc và có tất cả các triệu chứng cơ bản đặc trưng cho nhóm bệnh này, bao gồm:

Dấu hiệu

  • Khí sắc trầm, lo âu, bồn chồn, bứt rứt khó chịu, đứng ngồi không yên.
  • Rối loạn giấc ngủ, run, rối loạn thần kinh thực vật (vã mồ hôi, tim đập nhanh…).
  • Rối loạn tâm thần.
  • Thay đổi phản ứng cảm xúc: khoái cảm, nói năng luyên thuyên, hay đùa cợt, xàm xỡ, công kích…Trong một ngày có thể thay đổi từ vui nhộn, khoan khoái với những câu bông đùa vô duyên, xàm xỡ sang quấy rầy, nổi khùng, gây gổ, độc ác hoặc có thể buồn rầu, sợ hãi, lo lắng mơ hồ.
  • Biến đổi nhân cách: Người bệnh trở nên thô bạo, bê tha, giảm sút tình cảm đạo đức, khả năng phê phán giảm rõ rệt, phẩm chất xã hội thoái hóa dần, khả năng làm việc giảm sút.
  • Trí tuệ, trí nhớ, khả năng sáng tạo, sáng kiến đều giảm, tư duy trở nên thủ cựu, người bệnh đi dần vào trạng thái sa sút tâm thần.
  • Hấp thu và chuyển hóa: Có khoảng 10% lượng rượu uống vào được hấp thu ở dạ dày. Lượng rượu còn lại được hấp thu ở ruột non. Nồng độ rượu trong máu đạt đỉnh sau 45 – 60 phút tùy tình trạng dạ dày (khi đói hấp thu rượu nhanh hơn khi no). Khoảng 90% lượng rượu hấp thu vào cơ thể được chuyển hóa ở gan. 10% còn lại được bài tiết qua thận và phổi. 
  • Tác động của rượu lên não: Rượu có khả năng ức chế hệ thần kinh, gây dung nạp chéo. Với nồng độ rượu 0,05% trong máu, quá trình suy nghĩ và phán đoán sẽ trở nên lỏng lẻo hoặc ngưng trệ. Ở nồng độ rượu 0,1% trong máu, các cử động tự ý trở nên vụng về. Ngộ độc rượu khi nồng độ rượu trong máu ở mức 0,1 – 0,15%. Ở nồng độ 0,2%, chức năng toàn bộ vùng vận động của não bị ức chế. Ở mức 0,3%, người bệnh bị lú lẫn và hôn mê. Từ 0,4 – 0,5%, bệnh nhân rơi vào hôn mê.
  • Tác động của rượu lên các cơ quan khác: Rượu gây hại cho nhiều cơ quan. Sử dụng rượu lâu dài có thể gây teo não, thoái hóa tiểu não, động kinh, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh viêm gan, xơ gan, bệnh về cơ, bệnh cơ tim, viêm dạ dày, loét dạ dày, viêm tụy,… Người bị nghiện rượu mãn tính thường bị thiếu hụt thiamin, vitamin B12, acid nicotinic và folate. Trong thời gian có thai, nếu người mẹ sử dụng rượu thì sẽ gây độc cho thai nhi, có thể gây dị dạng cho trẻ.

Biểu hiện của chứng rối loạn tâm thần (loạn thần) do rượu

Sảng rượu 

Sảng rượu được coi là một cấp cứu tâm thần, nếu không được điều trị tỉ lệ tử vong là 20% chủ yếu do các bệnh lí cơ thể như viêm phổi, suy thận, suy gan, suy tim. Một số biểu hiện của sảng rượu có thể kể đến như:

  • Mất ngủ hoàn toàn kéo dài trong vài ngày, thậm chí hàng tuần.
  • Bệnh nhân có hoang tưởng bị hại và có ảo thị: nhìn thấy các động vật nhỏ như chim, chuột, dơi, kiến, hiếm hơn có các ảo thị ghê rợn khiến bệnh nhân lo lắng, sợ hãi.
  • Bệnh nhân cũng có thể có ảo thanh, tiếng nói rất rõ là tiếng của người nào đó, nội dung thường là đe dọa, chửi bới.
  • Bệnh nhân có rối loạn định hướng không gian, thời gian và bản thân.
  • Xuất hiện các rối loạn thần kinh thực vật như: run, giảm trương lực cơ, xung huyết da, tăng tiết mồ hôi, tim đập nhanh…

Ảo giác

  • Ảo thanh chiếm ưu thế.
  • Ảo giác chi phối hành vi của bệnh nhân, người bệnh mất khả năng phê phán với ảo giác.
  • Ảo thanh do rượu có thể tiến triển cấp tính từ vài ngày đến 1 tháng hoặc bán cấp tính từ 1-3 tháng và mãn tính từ trên 3 tháng trở lên. Ảo thanh có thể dẫn đến những hành vi nguy hiểm như: tự sát, đập phá, đốt nhà và giết người.
  • Có thể có những hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng liên hệ nhưng không bền vững và nhất thời. 

Hoang tưởng do rượu

  • Là một bệnh loạn tâm thần, biểu hiện bời các hoang tưởng bị chi phối, ảo thanh và không có rối loạn ý thức.
  • Hoang tưởng ghen tuông và ghen tưởng bị truy hại là những triệu chứng chủ yếu. Nội dung của hoang tưởng liên quan đến các sự vật có thật xung quanh bệnh nhân như: vợ, con, hàng xóm, đồng nghiệp và bạn bè.
  • Người bệnh rất đa cảm, họ luôn hoảng sợ, hoang tưởng luôn chi phối hành vi và thường tấn công người khác.
  • Đa số các hoang tưởng đi kèm theo ảo thanh, một số khác có ảo thị.

Các bệnh cơ thể phối hợp

Bên cạnh các triệu chứng loạn thần còn thấy các bệnh cơ thể phối hợp như viêm loét dạ dày, xơ gan, rối loạn huyết áp và thần kinh thực vật. Ngoài ra ở nhiều bệnh nhân có biểu hiện trạng thái suy kiệt do nhiễm độc rượu lâu ngày.

Biện pháp

Liệu pháp tâm lý

  • Nhằm mục đích thiết lập các mối quan hệ tin cậy, thông cảm với bệnh nhân, làm cơ sở cho việc điều trị tiếp theo. Các bệnh nhân ảo giác do rượu có hành vi nguy hiểm cần phải điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần, phải ngưng sử dụng rượu, cai rượu bằng phương pháp giải độc từ từ.
  • Phục hồi chức năng tâm lý xã hội để chống tái nghiện, giúp bệnh nhân tái hoà nhập với gia đình và cộng đồng. Phối hợp tâm lí, quản lí, lao động nghề nghiệp để có thể chuyển đổi hành vi của bệnh nhân theo chiều hướng tốt.
  • Điều trị nhận thức: Cần cho bệnh nhân biết mình có vấn đề nghiện rượu để hợp tác trong quá trình điều trị; Bệnh nhân cần phải nhận ra các ảnh hưởng có hại của việc nghiện rượu đối với gia đình.
  • Người nhà gần gũi động viên và giải thích cho bệnh nhân hiểu tác hại của rượu đến sức khỏe. Đồng thời tách người bệnh ra khỏi môi trường bia rượu. Khuyến khích người bệnh ăn uống sinh hoạt điều độ.

Dùng thuốc

  • Các thuốc an thần kinh: Một số chuyên gia khuyên nên sử dụng các loại thuốc an thần kinh vì chúng không ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá thải trừ của rượu.
  • Các thuốc bình thần: thường sử dụng Diazepam để giải lo âu với liều lượng trung bình.
  • Các thuốc chống trầm cảm: thường sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng với liều thấp hoặc trung bình.
  • Liệu pháp Vitamin: nghiện rượu lâu thường dẫn đến thiếu Vitamin B1, giảm giữ trữ glucoza gây ra tình trạng suy kiệt. Dùng Vitamin B1 liều cao khắc phục được tình trạng
  • Chăm sóc tại nhà: Người mắc hội chứng cai rượu nhẹ có thể điều trị tại nhà. Người thân cần có mặt để theo dõi tình trạng của bệnh nhân, kịp thời đưa bệnh nhân tới bệnh viện khi có triệu chứng xấu đi;
  • Nhập viện: Khi các triệu chứng của hội chứng cai rượu tiến triển nặng hơn, bệnh nhân cần nhập viện để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh, ngăn chặn nguy cơ biến chứng. Người bệnh có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch để ngăn ngừa mất nước và sử dụng các loại thuốc làm giảm triệu chứng;  
  • Cai rượu được cho là khó hơn cai ma túy. Vì  ma túy bị xã hội lên án, cấm đoán còn rượu được bày bán, sử dụng công khai. Không phải cứ ngừng rượu là cai được rượu. Việc tái nghiện là điều thường xuyên xảy ra với trường hợp nghiện rượu lâu năm. Đối với những người nghiện lạm dụng rượu đã nhiều năm không nên tự ý cai rượu mà phải được sự hỗ trợ cai từ bộ phận chuyên khoa. Nghiện rượu khó cai và ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe bản thân và gây ra hậu quả nặng nề cho gia đình, xã hội. Nhưng nếu người bệnh ý thức được tình trạng của mình, hợp tác với bác sĩ điều trị và chuyên gia tâm lý thì việc cai nghiện chắc chắn sẽ thành công.

Đánh giá và trị liệu tại Braincare

Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng. 

Braincare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sức khỏe tinh thần và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Braincare “Vì cộng đồng hạnh phúc hơn từng giây”.

Đăng kí tư vấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Contact Me on Zalo