Trầm cảm sau sinh – Con dao giết người thầm lặng

 

  Những con số đáng báo động

  Theo thống kê trên thế giới thì tỷ lệ mắc hội chứng Baby blues (những cơn buồn thoáng qua sau sinh) khá cao, có thể từ 60 – 80% phụ nữ sinh con. Tuy nhiên có những người sẽ vượt qua được sau 2 tuần, có phụ nữ sau sinh không thể vượt qua được và rơi vào trầm cảm sau sinh.

  Theo thống kê, có khoảng 10-20% số phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh với những biểu hiện như buồn chán, mệt mỏi, cảm xúc dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu quá mức, thiếu tập trung, cáu gắt, sao nhãng việc chăm sóc con cái, ăn uống thất thường, quá lo sợ cho sự an toàn của con hoặc chán ghét con, thậm chí có người còn giết cả con mình.

  Ở những phụ nữ đã từng mắc bệnh trầm cảm sau sinh nguy cơ tái phát ở lần sinh tiếp theo là 50%. Người có tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ, nguy cơ trầm cảm sau sinh 25%. Nếu trong thời kỳ mang thai mắc trầm cảm mà ngưng thuốc sớm, 68% tái phát trầm cảm sau sinh, nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% tái phát trầm cảm sau sinh; 41.2% người bệnh trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự sát.

  HIỂU VỀ TRẦM CẢM SAU SINH

  Hai rối loạn trầm cảm chính liên quan đến sinh sản là “baby blues” và trầm cảm sau sinh. “Baby blues là một rối loạn khí sắc nhẹ, thoáng qua và ảnh hưởng tới 80% sản phụ. Những triệu chứng thường xuất hiện trong những ngày đầu sau sanh và biến mất trong vòng 2 tuần.

  Bệnh trầm cảm sau khi sinh (Postpartum Depression hay PPD) là căn bệnh chủ yếu đến với phụ nữ sau khi đứa con được ra đời. Triệu chứng thường thấy là buồn rầu sau khi sinh, cảm xúc dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu quá mức, thiếu tập trung, cáu gắt, xao nhãng việc chăm sóc con cái, ăn uống thất thường.

  DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẦM CẢM SAU SINH

  Phụ nữ bị Trầm cảm sau sinh thường có một số biểu hiện sau đây (Theo Mayo Clinic-USA):

  1. Cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ
  2. Cảm thấy buồn bã hầu như cả ngày
  3. Cảm giác khó thở như bị đè chặt
  4. Lo lắng quá mức với các biểu hiện bồn chồn, bất an
  5. Thu mình và từ chối các giao tiếp xã hội
  6. Giảm trí nhớ và kém tập trung
  7. Khóc nức nở (với những lý do nhỏ nhặt)
  8. Rối loạn giấc ngủ
  9. Chán ăn
  10. Cảm giác kiệt sức và mất năng lượng

  Nếu có từ 5 triệu chứng trở lên, trong đó có ít nhất 3 triệu chứng xếp từ 1 đến 5 thì cần gặp ngay các chuyên gia/ bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán và hỗ trợ.

  NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN TRẦM CẢM SAU SINH

  TCSS là một rối loạn phức tạp và không chỉ có một nguyên nhân riêng rẽ để giải thích việc phát sinh bệnh, mà nó là sự tương tác của nhiều yếu tố sinh học, tâm lý – xã hội và những biến cố trong quá trình sinh nở. Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn tới TCSS:

  Thay đổi về nội tiết: ngay sau sinh nội tiết tố của người mẹ bị rối loạn: việc giảm đột ngột hormon estrogen và progestrogen góp phần gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm. Ngoài ra những thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa cũng dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.

  Thiếu ngủ, thiếu chất dinh dưỡng, lo lắng quá nhiều: ở giai đoạn sau sinh người mẹ phải làm quen với những trách nhiệm mới và nghĩa vụ mới với đứa con của mình, không có thời gian cho bản thân, ngủ không đủ giấc, ăn uống kiêng khem không đủ chất dinh dưỡng, mặc cảm tự ti vóc dáng, da dẻ… Vì vậy đây cũng là một nguyên nhân làm cho người phụ nữ dễ nảy sinh bực bội, căng thẳng.

  Khó khăn trong chăm sóc trẻ: vấn đề sức khỏe, ăn uống của em bé sau sinh là một trong những mối quan tâm rất lớn của các bà mẹ, vì vậy những vấn đề xảy ra với em bé có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm thần bà mẹ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những bà mẹ có con không được khỏe, con hay quấy khóc, hoặc con không bú mẹ  có nguy cơ bị TCSS cao những bà mẹ khác.

  Mâu thuẫn hôn nhân, gia đình: Gia đình không hạnh phúc, mâu thuẫn trong gia đình không được giải quyết triệt để trước và sau khi sinh cũng có thể gây trầm cảm cho bà mẹ. Áp lực chăm sóc con cái, do thiếu sự giúp đỡ của người thân, hoặc do áp lực về giới tính đứa trẻ cũng làm nhiều phụ nữ rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài.

  Yếu tố sản khoa baogồm phương pháp sinh, những vấn đề khi sinh như sinh sớm, sinh khó, cũng như các tai biến sản khoa như sản giật, tiền sản giật, chảy máu nhiều khi sinh…. Những bà mẹ trải qua quá trình sinh khó, có biến cố sản khoa có nguy cơ TCSS cao hơn những bà mẹ khác.

  Có tiền sử bị trầm cảm: Những phụ nữ mắc chứng trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai, hay những người đang điều trị trầm cảm có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường.

  HẬU QUẢ CỦA TRẦM CẢM SAU SINH

  Ở dạng trầm cảm nhẹ người mẹ thường thấy mệt mỏi, các hoạt động vô cùng khó khăn và vụng về, lo lắng thái quá đối với sức khỏe của con và của bản thân,… Nếu bị trầm cảm nặng, người mẹ trở nên buồn rầu, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, hay cáu gắt vô cớ, có những xử sự kỳ quặc với đứa con mới đẻ và những đứa trẻ khác. Người mẹ có thể rơi vào trạng thái rối loạn hành vi, với các biểu hiện như luôn cho rằng mình và con mắc bệnh hiểm nghèo, buồn rầu và hay khóc vô cớ, mất định hướng về không gian và thời gian, không chủ động được bản thân, có những lời nói hay hành vi thô bạo, xúc phạm tới người xung quanh, thậm chí xuất hiện ý nghĩ tự hủy hoại. Ngoài ra, rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trầm cảm khởi phát trong giai đoạn sau sinh có nguy cơ tái phát cao, hoặc trở thành mãn tính trong tương lai.

  TCSS còn ảnh hưởng rất nhiều đến em bé và những thành viên khác trong gia đình. TCSS đầu tiên ảnh hưởng đến sự tương tác giữa mẹ và con. Các giác quan của trẻ ngay từ 3 tháng tuổi, thậm chí sớm hơn đã bắt đầu được hoàn thiện, đây là giai đoạn khởi đầu sự phát triển kỹ năng giao tiếp ở trẻ. Tuy nhiên, các bà mẹ bị TCSS thường biểu hiện thái độ lãnh cảm, đôi khi là khó chịu, thù địch với đứa con của mình. Họ ít tham gia vào chăm sóc trẻ, ít biểu lộ cảm xúc và chơi đùa với trẻ. Thiếu sự tương tác của người mẹ làm ảnh hưởng đến sự phát triển về nhận thức và kỹ năng giao tiếp của trẻ. Một số nghiên cứu đã cho thấy trẻ sơ sinh của các bà mẹ bị trầm cảm ít biểu cảm ngôn ngữ hơn và chức năng nhận thức ngôn ngữ cũng kém hơn, trẻ cũng kém linh hoạt hơn, phát triển chậm hơn so với những trẻ khác. Những hậu quả này có thể tiếp tục gây những ảnh hưởng lâu dài lên sự phát triển về tâm lý, nhân cách và trí tuệ ở trẻ sau này.

  VƯỢT QUA TRẦM CẢM SAU SINH

Để điều trị trầm cảm, cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau: liệu pháp tâm lý, liệu pháp hormon, thuốc chống trầm cảm.

  Liệu pháp tâm lý

  Tâm lý cá nhân hoặc tâm lý nhóm, gia đình là một phương pháp điều trị có hiệu quả. Đây là liệu pháp được chọn lựa đầu tiên vì không cần sử dụng đến thuốc, không sợ ảnh hưởng đến trẻ nếu bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.

  Liệu pháp hormon

Sử dụng estrogen thay thế đôi khi có hiệu quả đối với trầm cảm sau sinh. Hormon estrogen được sử dụng kết hợp với thuốc chống trầm cảm.

  Sử dụng thuốc

  Đối với những trường hợp nặng, bà mẹ không thể chăm sóc được bản thân mình và con thì cần sử dụng thuốc chống trầm cảm nhưng cần phải lưu ý nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì cần phải có sự cân nhắc giữa lợi ích của việc dùng thuốc điều trị với tác dụng phụ nếu tiếp tục cho con bú và phải có sự theo dõi sát của bác sĩ chuyên khoa.

  Sự quan tâm chia sẻ, động viên, khích lệ từ người thân, đặc biệt là người chồng có vai trò vô cùng quan trọng giúp người vợ giảm thiểu nguy cơ và thậm chí vượt qua trầm cảm sau sinh một cách hiệu quả.

Đánh giá trị liệu tại Braincare

Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng. 

Braincare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sức khoẻ tinh thần và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Braincare “Vì cộng đồng hạnh phúc từng giây”.

Đăng kí tư vấn

Contact Me on Zalo