Mẹ phán xử

Cha mẹ có đang cảm thấy tự hào và an tâm về những đứa con đang trong độ tuổi teens? Cha mẹ đã bao giờ hãnh diện với chính bản thân mình rằng: “Tôi tự tin để con ra ngoài xã hội và tự bươn chải cuộc sống thành công?” Câu trả lời có thể là có nhưng cũng có thể là không. Điều đó phụ thuộc vào sự thành thật của lương tâm cha mẹ. 

Trên thực tế, mình phát hiện ra phần lớn cha mẹ đang bị mắc kẹt trong cảm giác “sợ hãi”. Dù họ có nói ra hay không và có chịu thừa nhận hay không. Rất nhiều bậc cha mẹ dù đang sợ hãi nhưng vẫn cố giấu giếm nỗi sợ và tỏ ra hạnh phúc, họ không muốn người khác biết nỗi sợ của mình vì lí do chủ quan nào đó. Tuy nhiên, bố mẹ chưa biết rằng: Chính sự giấu giếm luôn luôn tồn tại trong thâm tâm, dần dần nó khiến chúng ta không thể rời xa vòng tay con.

Thật ra nếu người lớn chúng ta nhận thức được mình đang sợ hãi, đó là bước đầu tiên để biết mình cần phải làm gì tiếp theo. 

Thấy sợ và nhận thức được mình đang sợ là một điều may mắn.

Khi sợ, nhiều phụ huynh có những hành động sai lầm: cấm đoán, đọc trộm nhật ký của con, kiểm tra thư từ, sách vở, điện thoại, dò hỏi bạn bè hoặc phụ huynh khác… Hoặc thậm chí mẹ bỏ nhà ra đi để tự dằn vặt bản thân mình hay bố bỏ bê gia đình vì sự bất lực sau nhiều lần cấm đoán con. Nếu ở góc độ một đứa trẻ, những hành động sai lầm kể trên có thể là một sự phản bội, một lời tuyên chiến. Lúc đó, chúng ta làm gì tiếp theo? 

Có lẽ khi làm cha mẹ teens, chúng ta cần nhớ một điều là: chúng ta không thể làm gì được. Khi con 10 tuổi chúng ta có thể can thiệp, bắt ép nhưng 14 tuổi thì không. Nếu có sự chấp thuận của con thì đi kèm với nó cũng thường là sự ức chế, uất ức, tức giận, một sự phản kháng ngầm bên trong và có thể “ăn mòn” con về sau này.

Vậy chúng ta làm gì?

Chỉ cần đứng về phía con. Thay vì đẩy con sang phía bên kia chiến tuyến, hãy kéo con lại gần và tạo ra ảnh hưởng bằng tương tác, thuyết phục hoặc thậm chí tranh luận một cách tích cực.

Gỉa sử con gái 15 tuổi của bạn có một đêm đi sinh nhật bạn về khuya lúc 11h đêm và không chịu nghe điện thoại của bạn. Bạn hoang mang, suy diễn, không biết con đang làm gì, ở đâu, đi với ai, tại sao giờ vẫn chưa về. Mẹ sẽ phán xử như nào? Ngay lập tức bạn ra lệnh cấm: ĐỪNG HÒNG ĐI CHƠI BUỔI TỐI NỮA. Nó chính là chúng ta đang đẩy con ra xa và gây ra sự đổ vỡ trong mối quan hệ.

Thay vào đó, hãy thành thật đi. Hãy thừa nhận rằng bạn sợ. Hãy nói với con rằng mẹ đã nằm ở trên giường nhưng không ngủ được, thậm chí cảm thấy bất an từng giây phút khi không liên lạc được với con, mẹ sợ con gặp chuyện già không lành vì con là con gái nên mẹ càng sợ hơn. Hãy nói với con về cảm giác, cảm xúc, những suy nghĩ của bạn. Thay vì cấm ngay lập tức, hãy yêu cầu con lần sau đừng về quá muộn vì nguy hiểm và hãy nhắn tin cho bố/mẹ.

Tuổi teens, mình hay gọi là tuổi giao thời, thực sự là một giai đoạn khó khăn. 

Và cha mẹ, những người làm tốt nhất vai trò của mình sẽ không bị nhầm lẫn trong quá trình nuôi dạy con. Họ hiểu nếu “chiến đấu”, cả 2 sẽ dễ dàng phá hỏng mối quan hệ này.

Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Nếu bạn đang mất sự kết nối và tin tưởng, hãy bắt đầu với việc nói với con về những nỗi sợ.

Đánh giá và trị liệu tại Braincare

Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng.

Braincare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sức khoẻ tinh thần và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Braincare “Vì cộng đồng hạnh phúc từng giây”.

Đăng kí tư vấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Contact Me on Zalo