Đã từng là người mẹ có 2 con chậm nói nên tôi hiểu hơn bao giờ hết nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh khi có con chậm phát triển Ngôn ngữ hơn những bạn cùng tuổi. Chậm nói là dấu hiệu của bệnh Tự kỷ nhưng không phải tất cả những trẻ Chậm nói đều Tự kỷ. Chỉ kết luận trẻ Tự kỷ khi Chậm nói và đi kèm các hành vi khác.
Nhìn chung phần lớn đều không thể tự đánh giá con mình có bị Chậm nói hay không. Tuy nhiên cha mẹ có thể nhận biết được các biểu hiện trẻ Chậm nói dựa vào các cột mốc phát triển thông thường dưới đây. Cũng cần nhắc lại rằng mỗi trẻ có sự phát triển không giống nhau, nên những biểu hiện trong cột mốc phát triển cũng chỉ mang tính chất tương đối.
Dưới 12 tháng tuổi
12 tháng tuổi có lẽ là quá sớm để chẩn đoán một đứa trẻ có bị chậm nói hay không. Tuy nhiên, các dấu hiệu cảnh báo chậm nói sớm thường xuất hiện ở độ tuổi này. Nếu trẻ có những biểu hiện sau, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:
- Không đáp ứng với tiếng động, không bắt chước âm thanh.
- Không bi bô phát ra các phụ âm (ví dụ p hoặc b).
- Không biết bắt chước âm thanh từ tháng thứ 4.
- Không phản ứng khi được gọi tên.
Từ 12 – 18 tháng tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ đã biết nói từ đơn, trả lời các câu hỏi đơn giản và nhận biết tên của những người quen thuộc. Vì vậy, trẻ sẽ có nguy cơ chậm nói cao hơn nếu có những dấu hiệu như:
- Không hiểu và không phản ứng với các từ như “không”, “dậy nào” khi 16 tháng.
- Chưa biết nói các từ đơn giản, ví dụ “mẹ”, “bế”.
- Không chỉ vào các bộ phận của cơ thể khi được người lớn yêu cầu.
- Chưa thể nói được 6 từ ngữ bất kỳ.
- Không biết chỉ vào thứ mình muốn.
- Không quan tâm đến thế giới xung quanh.
- Không biết cách giao tiếp với người khác bao gồm âm thanh, cử chỉ hay lời nói kể cả khi cần giúp đỡ hay muốn thứ gì đó.
- Không biết làm những động tác như: vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không, chỉ tay.
Từ 18 – 24 tháng tuổi
Khi 2 tuổi, trẻ bắt đầu kết hợp 2 từ để tạo thành những câu đơn giản, chẳng hạn “mẹ bế”, “em bé”. Do đó, dấu hiệu trẻ chậm nói ở độ tuổi này thường khá rõ rệt, bao gồm:
- Chưa nói được 6 từ khi 18 tháng.
- Chưa nói được 15 từ và không thể ghép 2 từ để nói khi 24 tháng.
- Không tự nói ra lời mà chỉ nhại lại lời nói của người khác.
- Không biết bắt chước hành động hoặc lời nói của người khác.
- Không hiểu và trả lời các câu hỏi đơn giản như “Mẹ đâu rồi?” “Con uống sữa không?”.
- Không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ với mọi người xung quanh.
- Vốn từ tăng chậm.
Từ 2 – 3 tuổi
Theo các chuyên gia, 2 đến 3 tuổi là cột mốc có sự bùng nổ về mặt ngôn ngữ và hành vi ở trẻ nhỏ. Vốn từ của trẻ sẽ tăng lên, trẻ biết đếm số và thường xuyên kết hợp 3 hoặc nhiều từ để nối thành câu. Đặc biệt, trẻ đã biết cách sử dụng đại từ nhân xưng “con” hay các từ mô tả như “vui”, “thích” để nói chuyện với mọi người.
- Nếu nghi ngờ con có dấu hiệu của chậm nói, bạn hãy đối chiếu hoặc so sánh với những biểu hiện dưới đây:
- Chưa nói được các từ ghép hoặc câu có khoảng 2-4 từ.
- Không thể thực hiện cuộc hội thoại đơn giản.
- Không thể gọi tên các bộ phận của cơ thể.
- Không nhớ những thứ được lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Không giao tiếp bằng lời nói, không biết đặt câu hỏi đơn giản.
- Không có khả năng làm theo những hướng dẫn và mệnh lệnh đơn giản.
- Không biết công dụng của những đồ vật thông dụng trong nhà.
- Không thực hiện khi được hỏi hay chỉ vào hình ảnh của một thứ gì đó có tên như “Con chó”, “Cuốn sách”.
Trên 3 tuổi
Với trẻ trên 3 tuổi, khả năng nói và hiểu hoàn thiện hơn nhiều so với các mốc phát triển trước. Thời điểm này, trẻ bắt đầu tự đặt một loạt các câu hỏi như “ai”, “cái gì”, “ở đâu”, “tại sao”. Ngoài ra, trẻ cũng đã biết dùng từ để mô tả sự vật, đối tượng hoặc thể hiện ý tưởng, cảm xúc thay vì chỉ nói về thế giới xung quanh. Do đó, cha mẹ hoàn toàn có thể nhận biết con chậm nói qua những dấu hiệu như:
- Không dùng đại từ nhân xưng như con, ba, mẹ.
- Chưa nói được câu ghép.
- Không hiểu những chỉ dẫn hay câu hỏi dài.
- Không biết đặt câu hỏi.
- Nói không rõ ràng, gây khó hiểu cho người khác.
- Lắp bắp, rất khó phát ra âm thanh hay từ ngữ, khi nói vẻ mặt trẻ khó chịu.
- Ít quan tâm hoặc không quan tâm đến sách truyện thiếu nhi.
- Không tương tác với trẻ khác.
Đối với trẻ Chậm nói hay bất kỳ bệnh gì, việc phát hiện sớm luôn là yếu tố vô cùng quan trọng. Chưa bàn đến việc Chậm nói, mà ngay như trẻ bị Tự kỷ thì việc phát hiện sớm cũng là yếu tố tiên quyết giúp đạt hiệu quả cao trong điều trị. Thông thường thì phần lớn cha mẹ khó nhận biết con có bị chậm nói hay không và con bị Chậm nói đơn thuần hay chậm nói do Tự kỷ? Vì vậy khi thấy con có những dấu hiệu bất thường về Ngôn ngữ so với các bạn cùng trang lứa, nên đưa trẻ đến các Trung tâm tâm lý trẻ em, Phòng khám tâm lý để được thực hiện các bài test, kiểm tra và tư vấn hướng can thiệp sớm cho trẻ. Đặc biệt, những đứa trẻ Chậm nói có vượt thoát ra được giai đoạn khó khăn và hòa đồng với các bạn cùng trang lứa, với cộng đồng là phụ thuộc phần lớn vào Cha mẹ. Hãy thường xuyên giao tiếp, nói chuyện, dạy con nói, dạy con làm từ những việc nhỏ nhất . Cho trẻ tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa, nên sớm cho trẻ đi học…