03 Test đánh giá trầm cảm học đường bạn nên biết!

I.THANG ĐO TRẦM CẢM TRẺ EM CDI

  1. Khái quát chung:
  • Thang đo trầm cảm trẻ em CDI (The Children’s Depression Inventory) là thang tự đánh giá được thiết kế và phát triển bởi bác sĩ Maria Kovacs để chẩn đoán trầm cảm ở trẻ em. CDI có hai phiên bản: phiên bản 27 câu thường được dùng để chẩn đoán và phiên bản rút gọn 10 câu thường để sàng lọc.
  • Trẻ thường sẽ mất 5 – 15 phút để trả lời đánh giá.
  1. Cách sử dụng:

Mục đích:

  • Đo lường các dấu hiệu nhận thức, tình cảm và hành vi trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Đo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm ở trẻ em.
  • Phân biệt giữa rối loạn trầm cảm chủ yếu, rối loạn cảm xúc buồn rầu (dysthymic) ở trẻ em và các tình trạng tâm thần khác.   

Độ tuổi: Từ 07 – 17 tuổi.

Đối tượng: Thân chủ có dấu hiệu hoặc có nghi vấn trầm cảm.

Thành phần thang đo: Thang đo trầm cảm trẻ em CDI gồm 27 nhóm đề mục. Mỗi đề mục chứa 3 câu mô tả trạng thái tâm thần của con người. Với mỗi đề mục, người trả lời chọn 1 câu mô tả đúng trạng thái tâm thần của mình trong 2 tuần qua. Tương ứng điểm số 0,1,2.

Cách tính điểm:

Điểm của thang đo là điểm tổng của 27 nhóm (items). Khi đánh giá có thể sử dụng cách phân loại sau:

Điểm số:

  • <12: Không trầm cảm
  • 13-19: Có dấu hiệu trầm cảm
  • >19: Trầm Cảm
  1. Một số lưu ý khi sử dụng Thang đo trầm cảm trẻ em CDI:
  • Cần đảm bảo với trẻ rằng không có câu trả lời nào là đúng hay là sai.
  • CDI là bản đánh giá tự báo cáo được viết ở cấp độ đọc cấp một, điều đó có nghĩa là trẻ sẽ được tự đánh giá bằng giấy và bút.
  • Mỗi mục trong CDI có ba câu, và trẻ được yêu cầu chọn một câu trả lời mô tả đúng nhất cảm xúc của trẻ trong hai tuần qua.
  • Nên kiểm tra lại bất kỳ đứa trẻ nào nhận được điểm dương tính trên CDI từ hai đến bốn tuần sau bài kiểm tra ban đầu.
  • Những đứa trẻ không có kỹ năng đọc phù hợp với lứa tuổi có thể nhận được chẩn đoán không chính xác trên cơ sở điểm CDI

II.THANG ĐÁNH GIÁ TRẦM CẢM THANH THIẾU NIÊN

  1. Khái quát chung:
  • Thang đánh giá trầm cảm thanh thiếu niên (RADS 10 – 20) là thang tự đánh giá nhằm xác định các thanh thiếu niên có các triệu chứng trầm cảm do William M. Rcynolds xây dựng năm 1986. Thang RADS đã được Việt hóa bởi các bác sỹ tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia và đưa vào sử dụng tại viện từ năm 1995.
  • RADS được sử dụng ở cả trong trường học và các cơ sở lâm sàng. Hoàn thành trắc nghiệm RADS thường mất từ 5 đến 10 phút. Các mức điểm ở RADS chỉ báo mức độ của các triệu chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên trên lâm sàng (bình thường, nhẹ, vừa và nặng).
  1. Cách sử dụng:
  • Mục đích: Thang đánh giá trầm cảm RADS nhằm xác định các dấu hiệu và mức độ các triệu chứng trầm cảm.
  • Độ tuổi: Từ 10 – 20 tuổi.
  • Đối tượng: Thân chủ có dấu hiệu hoặc có nghi vấn trầm cảm.

Thành phần thang đo:

Thang đánh giá trầm cảm thanh thiếu niên (RADS 10 – 20) là thang tự đánh giá ngắn gọn gồm 30 đề mục để đánh giá mức độ hiện thời của các triệu chứng học trầm cảm ở thanh thiếu niên theo bốn thành phần cơ bản của trầm cảm: loạn khí sắc, cảm xúc tiêu cực/mất hứng thú, tự đánh giá tiêu cực và phàn nàn về cơ thể. Với mỗi câu, người trả lời lựa chọn mức độ đúng nhất với trạng thái của mình theo thang điểm : Hầu như không (0đ), thỉnh thoảng (1đ), phần lớn thời gian ( 2đ), hầu hết hoặc tất cả thời gian (3đ).

Cách tính điểm:

Tính điểm RADS bằng cách cộng điểm mức độ của các câu. Riêng các câu 1, 5, 10, 12, 23, 25, 29 tính điểm ngược lại. Mức (1) chuyển mức (4) và ngược lại; mức (2) chuyển mức (3) và ngược lại. Cộng tổng điểm của tất cả các câu sau khi điều chỉnh. Dựa theo RADS, những bệnh nhân có tổng số điểm từ 31 – 40 là trầm cảm nhẹ, 41 – 50 là trầm cảm vừa, và trên 51 điểm là trầm cảm nặng.

  1. Một số lưu ý khi sử dụng Thang đánh giá trầm cảm RADS :
  • Nhà tham vấn cần lưu ý đảo điểm với những câu in nghiêng, nếu những câu in nghiêng có điểm quá cao/quá thấp/ không phù hợp với thông tin hỏi chuyện lâm sàng.
  • Cần khai thác thêm thông tin nếu điểm các câu in nghiêng quá thấp hoặc quá cao.
  • Trong quá trình hỏi chuyện và quan sát lâm sàng cần khai thác thêm thông tin về hành vi tự hại và tự tử hoặc sử dụng thêm test  khác có đề cập đến yếu tố này.

III.THANG ĐO TRẦM CẢM BDI II

1.Khái quát chung:

Thang đánh giá trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory – BDI), được công bố lần đầu tiên bởi Aaron T. Beck năm 1961. Cho đến nay, đây là bài đánh giá tâm lý được sử dụng phổ biến nhất để kiểm tra mức độ trầm cảm.

Có 3 phiên bản BDI bao gồm:

  •  Bản BDI gốc, được công bố vào năm 1961
  • Bản BDI-1A, là phiên bản chỉnh sửa của BDI, được công bố vào năm 1978
  • Bản BDI-II, được thiết kế cho độ tuổi vị thành niên và được công bố vào năm 1996
  • BDI là một công cụ đánh giá được sử dụng rộng rãi bởi các chuyên gia và nhà nghiên cứu sức khoẻ.

2.Cách sử dụng:

  • Mục đích: Thang đo trầm cảm BDI II được sử dụng để Nhà tham vấn đánh giá nhằm phát hiện sớm những biểu hiện của rối nhiễu trầm cảm tuổi học đường.
  • Độ tuổi: Từ 10 – 18 tuổi.
  • Đối tượng: Thân chủ có dấu hiệu hoặc có nghi vấn trầm cảm.
  • Thành phần thang đo: Thang đo trầm cảm BDI II gồm 21 nhóm đề mục. Mỗi đề mục chứa 4 câu mô tả trạng thái tâm thần của con người. Tương ứng với điểm số từ 0-3. Với mỗi đề mục, người trả lời lựa chọn câu đúng nhất với trạng thái tâm thần của mình trong 2 tuần qua.
  • Cách tính điểm: Điểm của thang đo là điểm tổng của 21 câu hỏi ( items). Khi đánh giá có thể sử dụng cách phân loại sau:

STT

Mức độ đánh giá xếp loại

Điểm số

Ghi chú

1

Chưa có biểu hiện trầm cảm  rõ

<  13

Bình thường

2

Có biểu hiện trầm cảm  rõ

( trầm cảm nhẹ)

14 – 19

Theo dõi

3

Trầm cảm mức vừa

20 – 28

Cần tư vấn chuyên gia

4

Trầm cảm mức nặng

29 – 41

Cần đến khám tại các cơ sở tâm thần để điều trị

5

Trầm cảm mức rất nặng

>  41

Cần được trị liệu tại các cơ sở tâm thần/ tâm lý lâm sàng

3.Một số lưu ý khi sử dụng Thang đo trầm cảm BDI II:

  • Khi đánh giá nên thực hiện 2 lần cách nhau khoảng 3-5 ngày. Nếu kết quả 2 lần tự đánh giá tương tự nhau là khách quan.
  • Các nhà tham vấn học đường cần phải đọc hiểu kết quả điểm trắc nghiệm này dựa trên sự so sánh điểm của cá nhân làm trắc nghiệm với điểm chuẩn ( điểm NORM – điểm trên mẫu đại diện theo lứa tuổi) của trắc nghiệm này.

IV.  Tài liệu tham khảo

Bản kiểm kê trầm cảm của trẻ em (CDI). (2020). Retrieved 02 10, 2020, from https://vie.psychic-parapsychologist.com: https://vie.psychic-parapsychologist.com/childrens-depression-inventory-49939

DiMaria, L. (2020, 02 03). The Children’s Depression Inventory (CDI). Retrieved 02 10, 2020, from www.verywellmind.com: https://www.verywellmind.com/the-childrens-depression-inventory-cdi-1066780

Đánh giá can thiệp tại Braincare

Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng. 

Braincare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sức khoẻ tinh thần và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Braincare “Vì cộng đồng hạnh phúc từng giây”.

Đăng kí tư vấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Contact Me on Zalo